Giao thức bảo mật Email được xem là một yếu tố cực kỳ quan trọng, tập hợp đầy đủ các thuật toán mã hóa để đảm bảo quyền riêng tư của dữ liệu, đồng thời ngăn ngừa tình trạng mất dữ liệu hoặc truy cập trái phép trong email.
SMTP (Simple Mail Transfer Protocol) là một giao thức được sử dụng để truyền tải email giữa các máy chủ email trên mạng Internet. SMTP không phải là một giao thức bảo mật, nó chỉ đảm bảo việc truyền tải email giữa các máy chủ một cách hiệu quả.
Tuy nhiên, có một số giao thức bảo mật khác được sử dụng cùng với SMTP để bảo vệ email trong quá trình truyền tải như: SSL/TLS, S/MIME, DKIM, DMARC… Các giao thức bảo mật này sẽ có các tính năng gì? Cùng tìm hiểu chi tiết!
Nội dung chính
- 1. SSL/TLS – (Secure Sockets Layer) và TLS (Transport Layer Security)
- 2. S/MIME – Secure/Multipurpose Internet Mail Extensions
- 3. DMARC – Domain-based Message Authentication, Reporting & Conformance
- 4. SPF – Sender Policy Framework
- 5. Digital Certificates
- 6. DKIM – Domain Keys Identified Mail
- 7. OpenPGP – Open Pretty Good Privacy
1. SSL/TLS – (Secure Sockets Layer) và TLS (Transport Layer Security)
SSL (Secure Sockets Layer) và TLS (Transport Layer Security) là hai giao thức bảo mật phổ biến nhất để bảo vệ email khi nó di chuyển trên Internet. Giao thức này sẽ cung cấp framework bảo mật hoạt động với SMTP để bảo mật liên lạc với email người dùng. Vào năm 2015 thì giao thức SSL đã không còn được sử dụng nữa.
Giao thức TLS cung cấp các quyền riêng tư và bảo mật cho SMTP. Khi người dùng gửi và nhận thư, nó sẽ sử dụng Transmission Control Protocol (TCP) để khởi tạo để khởi tạo “handshake” với máy chủ email.
Handshake được hiểu là các bước của ứng dụng email người dùng và máy chủ email được xác nhận và cài đặt mã hóa, sau đó bắt đầu truyền email.
Nhìn chung, TLS được xem là một giao thức bảo mật mã hóa, đảm bảo quyền riêng tư, ngăn chặn các truy cập trái phép email khi nó được truyền qua các kết nối Internet.
2. S/MIME – Secure/Multipurpose Internet Mail Extensions
S/MIME là một tiêu chuẩn bảo mật được sử dụng để mã hóa bảo vệ dữ liệu email và cung cấp chữ ký điện tử, đồng thời xác nhận danh tính của người gửi email. Hầu hết các dịch vụ email đều sẽ có giao thức S/MINE.
Về cơ bản, giao thức S/MINE sẽ có hai tính năng chính để đảm bảo tính bảo mật của email đó là mã hóa và xác thực.
S/MIME sử dụng mã hóa khóa công khai (Public-key cryptography) để mã hóa email trước khi nó được gửi đi. Việc sử dụng mã hóa giúp bảo vệ email khỏi việc bị đánh cắp hoặc đọc trộm bởi từ các hacker.
S/MIME cung cấp tính năng xác thực để đảm bảo tính hợp lệ của email. Việc xác thực được thực hiện bằng cách sử dụng chữ ký số (Digital Signature) và chứng thực (Authentication).
>> Xem thêm: S/MIME Là Gì? Tại Sao Không Nên Tự Cài Đặt S/MIME?
3. DMARC – Domain-based Message Authentication, Reporting & Conformance
DMARC một giao thức xác nhận email tiêu chuẩn. Phương thức hoạt động của DMARC là các nhà quản lý email sẽ thiết lập các bản ghi DNS (Domain Name System) để chỉ định cách thức xử lý các email không hợp lệ được gửi đến.
Một số tiêu chuẩn bảo mật quan trọng trong giao thức DMARC:
- Báo cáo và tuân thủ xác thực email dựa trên tên miền (DMARC): Hệ thống này giúp xác thực email, ngăn chặn các email giả mạo, lừa đảo…
- Sender Policy Framework (SPF): Một giao thức xác nhận email từ một tên miền, một địa chỉ IP được cho phép.
- DomainKeys Identified Mail (DKIM): Một phương thức xác nhận email, DKIM sử dụng chữ ký số để đảm bảo tính xác thực của email và giảm thiểu nguy cơ giả mạo. Khi một email được ký số bởi DKIM, người nhận có thể xác định được danh tính email. Nếu email không được xác minh bởi DKIM thì sẽ bị coi là không hợp lệ, có thể đưa vào thư mục rác hoặc bị từ chối.
4. SPF – Sender Policy Framework
SPF cung cấp một giao thức bảo mật cho phép tổ chức có thể chỉ định ai được phép gửi email từ tên miền của họ. Bản ghi SPF sẽ được thêm vào máy chủ dịch vụ tên miền (DNS), khi một email được nhận, nhà cung cấp dịch vụ email có thể kiểm tra bản ghi SPF trong tên miền của người gửi email và xác định xem email đó có được gửi từ một địa chỉ IP được cho phép hay không.
Ngoài ra, giao thức SPF thường được kết hợp với các phương pháp xác thực email khác như DKIM và DMARC để cung cấp tính bảo mật cao hơn cho hệ thống email.
5. Digital Certificates
Digital Certificates còn được gọi là chứng chỉ số hoặc chứng chỉ điện tử, là một loại giấy chức nhận điện tử được sử dụng để xác thực danh tính của một cá nhân, tổ chức…
Digital Certificates trong email cũng cung cấp một phương thức bảo mật để mã hóa email. Khi một email được gửi đi, chứng chỉ số của người gửi được gắn vào email như một phần của tiêu đề. Khi email được nhận, trình đọc email của người nhận sẽ xác minh chữ ký số được ký bởi chứng chỉ số của người gửi.
6. DKIM – Domain Keys Identified Mail
DKIM là phương thức dùng để xác thực email đang được gửi. DKIM hoạt động bằng cách cung cấp cho email một chữ ký số, chữ ký DKIM này sẽ được thêm vào phần tiêu đề và được bảo mật bằng mã hóa.
Khi email được nhận, hệ thống email của người nhận sẽ giải mã chữ ký số, sau đó kiểm tra các chuỗi số học có khớp với nội dung của email hay không. Nếu nó khớp, email sẽ được xác thực là hợp lệ và không bị giả mạo. Thông thường, chữ ký DKIM không hiển thị với người dùng cuối, quá trình xác thực này được thực hiện ở máy chủ.
7. OpenPGP – Open Pretty Good Privacy
OpenPGP là một chuẩn mã hóa email mã nguồn mở (open source) dùng để bảo mật các email, tin nhắn và tài liệu khác, dựa trên khuôn khổ Pretty Good Privacy (PGP).
OpenPGP sử dụng phương pháp mã hóa đối xứng và mã hóa khóa công khai để bảo vệ tính toàn vẹn và bảo mật của email. Khóa công khai được sử dụng để mã hóa email trước khi nó được gửi, trong khi khóa riêng tư được sử dụng để giải mã email khi được nhận.
Nhìn chung, các giao thức bảo mật Email được thiết lập và sử dụng nhằm bảo mật các thông tin cá nhân, ngăn chặn được các tin nhắn giả mạo. Đồng thời đảm bảo tính toàn vẹn của email trong quá trình truyền tải.
Hy vọng rằng các thông tin về giao thức bảo mật Email trong bài viết này sẽ hữu ích đến bạn!